Các quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng
Hợp đồng là sự thương lượng giữa các bên nhằm mang lại sự hợp tác và lợi ích hài hòa cho các bên tham gia. Mỗi hợp đồng đều được xác lập dựa theo quy định của pháp luật với các quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng. Vậy các quy định đó là gì thì trong bài viết này chúng ta cùng Viettelnet đi tìm hiểu cụ thể.
Thế nào là các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng
Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng được ban hành dựa trên các quy định của cơ sở pháp lý rõ ràng: Bộ luật dân sự 2015, Luật thương mại 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Bộ luật lao động 2019.
Điều khoản bảo mật (confidentiality clause) được hiểu nôm na là điều khoản mà một bên khi có được thông tin của bên kia thông qua nội dung hợp đồng thì sẽ có nghĩa vụ bảo mật những thông tin đó.
Tác dụng chính của việc đưa ra các quy định về bảo mật trong hợp đồng nhằm:
- Tạo sự ràng buộc và tính trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên tham gia.
- Nhằm mang đến văn hóa trong kinh doanh, hợp tác để cùng phát triển.
- Giúp cho các doanh nghiệp kết hợp, hợp tác cùng đi lên.
- Khi một bên nắm được những thông tin trong hợp đồng phải có nghĩa vụ bảo mật hoàn toàn thông tin đó, tránh rò rỉ tiết lộ thông tin ra bên ngoài, nếu trường hợp đó xảy ra sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và trong hợp đồng nêu ra.
Quy định chung về các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng
Các quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng là rất cần thiết và quan trọng không thể bỏ qua trong khi xác lập hợp đồng. Dưới đây là những quy định mà mỗi doanh nghiệp không nên bỏ qua:
Những quy định về bảo mật trong hợp đồng lao động
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 21, Bộ luật Lao động năm 2019: Người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, công nghệ, các ứng dụng, nghiên cứu theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền đưa ra các thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung và thời gian cần để bảo vệ bí mật đó, cũng như trách nhiệm phải chịu khi vi phạm.
Người sử dụng lao động cần nêu rõ những nội dung cần bảo mật:
- Dữ liệu nào được coi là bí mật cần bảo mật. Khi không liệt kê hết được thì phải đưa ra các tiêu chuẩn để xác định tính bảo mật.
- Có quy định về thời gian cụ thể, phạm vi có hiệu lực dựa vào chức vụ nhân viên phụ trách.
- Quy định về điều khoản bảo mật bị vô tác dụng nếu người sử dụng lao động không chu cấp cho người lao động (Trong trường hợp người lao động không tìm được việc làm trong thời gian thi hành điều khoản bảo mật).
- Có quy định cụ thể về chế tài vi phạm, cơ quan nào là nơi giải quyết các tranh chấp liên quan đến các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng.
Quy định bảo mật điều khoản trong hợp đồng thương mại
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 289, Luật Thương mại 2005: Trừ các thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có trách nhiệm giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng kết thúc. Việc bảo mật thông tin cần được thực hiện trong và sau khi kết thúc hợp đồng.
Theo quy định tại Điểm C, Khoản 3, Điều 6, Luật sở hữu trí tuệ 2005 (Sửa đổi, bổ sung 2009) quy định như sau: Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập dựa trên cơ sở nêu ra một cách hợp pháp bí mật trong kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật đó.
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 45 của Luật Cạnh tranh 2018 (kế thừa Luật Cạnh tranh 2004) quy định về việc cấm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh: Hành vi xâm phạm dữ liệu bí mật trong kinh doanh bằng cách tiết lộ, sử dụng dữ liệu đó trong kinh doanh mà không được sự cho phép của chủ sở hữu dữ liệu đó.
Tại Khoản 1, Điều 110 quy định về việc xử lý hành vi vi phạm như sau: Đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về tính cạnh tranh thì dựa vào mức độ gây thiệt hại sẽ bị xử lý theo quy định.
Như vậy, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hành vi vi phạm bảo mật thông tin sẽ bị xử lý dựa theo mức độ hậu quả gây ra. Bên vi phạm có thể thương lượng với bên bị vi phạm để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho cả 2 bên.
Quy định bảo mật thông tin công ty tại các bản HĐ dịch vụ pháp lý
Trong Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 quy định giữ bí mật thông tin khách hàng là trách nhiệm và nghĩa cụ của luật sư trong hoạt động hành nghề luật sư, nghiêm cấm các luật sư tiết lộ thông tin khách hàng khi hành nghề.
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 9 và tại điều 25 quy định:
“Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây: Tiết lộ thông tin về vụ việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”;
Như vậy, theo quy định này các thông tin mà luật sư phải bảo mật gồm: những thông tin liên quan đến vụ, việc và cả những thông tin khác về khách hàng trong khi hành nghề.
Trên đây là tất cả các quy định về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng mà khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp cần nắm được để tránh những hậu quả khó lường. Nếu bạn cần thêm thông tin có thể liên hệ Viettelnet qua hotline 0866.222.900 để tìm hiểu kỹ hơn nhé.