Hợp đồng thời vụ là gì? Điều cần biết về hợp đồng lao động thời vụ
Hiện nay, nhu cầu làm việc ngắn hạn của người lao động và người sử dụng lao động ngày càng tăng cao. Chính vì thế mà hợp đồng thời vụ ngày càng trở nên phổ biến và được rất nhiều người quan tâm và ký kết. Vậy hợp đồng thời vụ là gì? Hợp đồng thời vụ có bắt buộc phải được thành lập bằng văn bản? Khi ký hợp đồng thời vụ thì nghỉ việc có dễ dàng? Cùng Viettelnet tìm hiểu hợp đồng thời vụ ngay tại bài viết này nhé!
MỤC LỤC
Định nghĩa hợp đồng thời vụ
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa đưa ra quy định, khái niệm cụ thể về hợp đồng thời vụ. Tuy nhiên, theo định nghĩa của từ “thời vụ” và khái niệm hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1 Điều 13 Bộ Luật Lao động 2019, có thể hiểu hợp đồng thời vụ là một loại hợp đồng lao động và chỉ mang tính chất mùa vụ, tạm thời. Hợp đồng lao động thời vụ là căn cứ để ghi nhận quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Những công việc có tính chất tạm thời trong hợp đồng thời vụ thường có thời gian ngắn, có thời hạn dưới 12 tháng và diễn ra không thường xuyên. Trong hợp đồng thời vụ, các bên giao kết hợp đồng sẽ thỏa thuận, thống nhất các điều khoản như nội dung công việc, tiền lương hoặc các nội dung khác như điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ các trong trong quan hệ hợp đồng lao động.
Như vậy, hợp đồng thời vụ là loại hợp đồng có thời hạn ngắn và có thể phân loại nó là loại hợp đồng lao động có thời hạn (dưới 12 tháng).
Hình thức của hợp đồng thời vụ
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động được giao kết dưới các hình thức là bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng thông điệp dữ liệu. Theo quy định hiện nay, hợp đồng lao động bằng văn bản và bằng thông điệp dữ liệu có thể được áp dụng với mọi loại hợp đồng, mọi thời hạn trong hợp đồng.
Trong khi đó, hợp đồng lao động bằng lời nói có thể áp dụng với các loại hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng, trừ các trường hợp có đối tượng giao kết hợp đồng là: người dưới 15 tuổi, người lao động thông qua người được ủy quyền để thực hiện công việc có thời hạn dưới 12 tháng hoặc người giúp việc.
Vì vậy, đối với hợp đồng lao động thời vụ, các bên sẽ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản nếu thuộc một trong các trường hợp có đối tượng hợp đồng là:
- Người lao động có thời hạn làm việc từ 1 tháng trở lên
- Người lao động chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi
- Người lao động làm công việc giúp việc gia đình
- Người lao động giao kết hợp đồng với người sử dụng lao động thông qua ủy quyền
Còn với các trường hợp còn lại, người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói.
Thời hạn của hợp đồng thời vụ
Hợp đồng thời vụ có thời hạn tối đa là 12 tháng và pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định cụ thể về số lần ký kết hợp đồng lao động giữa các bên. Tuy nhiên, cần lưu ý là tổng thời gian của các hợp đồng thời vụ liên tiếp không được vượt quá 12 tháng, nếu vượt quá 12 tháng thì công việc này không còn mang tính thời vụ nữa và việc tiếp tục ký kết hợp đồng này sẽ vi phạm quy định pháp luật hợp đồng.
Nếu sau khi hết thời hạn hợp đồng thời vụ mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, người lao động và người sử dụng lao động cần phải giao kết hợp đồng mới, nếu không thì hợp đồng đã giao kết tự động trở thành hợp đồng lao động có thời hạn kéo dài 24 tháng.
Sau khi hợp đồng thời vụ hết hạn, hai bên chỉ được tái ký hợp đồng có thời hạn 1 lần, sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động phải ký hợp đồng không có thời hạn với người lao động.
Ký hợp đồng thời vụ, nghỉ việc có đơn giản?
Hợp đồng thời vụ mang tính chất tạm thời và ngắn hạn nên người sử dụng lao động và người lao động thường chỉ ký hợp đồng có thời hạn từ 01 đến 06 tháng. Với các hợp đồng thời vụ có thời hạn dưới 12 tháng, người sử dụng lao động và người lao động đều có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đơn giản, dễ dàng. Cụ thể:
- Nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng thì chỉ cần báo trước cho người sử dụng lao động trước 3 ngày làm việc
- Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có lý do đáp ứng được quy định của Bộ luật Lao động và phải báo trước cho người lao động trước 3 ngày làm việc. Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc từ 5 ngày làm việc liên tục mà không có lý do chính đáng hoặc không trở lại sau thời hạn tạm hoãn hợp đồng thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
Hy vọng với các thông tin mà Viettelnet chia sẻ thông qua bài viết trên đây, các bạn đã hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về loại hợp đồng thời vụ. Trong quá trình giao kết, các bên cần phải lưu ý kỹ các quy định pháp luật để thực hiện đúng, nhất là người lao động và tránh để hợp đồng vô hiệu do vi phạm quy định.
Nếu các bạn vẫn còn thắc mắc về loại hợp đồng này thì có thể liên hệ đến số điện thoại 0866.222.900 hoặc bình luận bên dưới bài viết để được chúng tôi hỗ trợ nhé!